Vào năm 1898, tại vịnh Manila ở Philippine đã xảy ra một trận hải chiến ác liệt. Các chiến thuyền hai bên nhắm bắn vào nhau những loạt đạn đại bác. Hôm ấy, vùng vịnh trở thành chiến trường mịt mù khói súng, mặt biển xám ngoét vì sợ hãi. Cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Trên chiến thuyền nọ, có một chàng thủy thủ trẻ tuổi sơ ý để gió thổi bay chiếc áo khoác xuống biển. Việc đó xem ra cũng bình thường và chẳng có gì phải bận tâm. Thế nhưng anh ta chạy tới chạy lui với vẻ rất lo lắng, cuối cùng anh ta quyết định tìm đến viên thuyền trưởng để xin phép nhảy xuống biển vớt áo khoác lên.
Một ý nghĩ thật điên rồ. Trong trận chiến ác liệt như hôm nay thì việc mất chiếc áo khoác chẳng có gì quan trọng. Viên thuyền trưởng không đồng ý và không muốn nghe thêm một lời giải thích nào. Ông ta lớn tiếng cảnh cáo và yêu cầu chàng lính trẻ trở về vị trí chiến đấu ngay lập tức.
Chàng thủy thủ trẻ biết không thể thuyết phục được viên thuyền trưởng nên anh ta nhắm mắt nhảy liều xuống biển. Nhanh như một con cá kình trên biển, chàng trai trẻ đã vớt được chiếc áo của mình trong nháy mắt và cất giữ cẩn thận.
Thật là quá đáng! Thay vì bỏ mặc anh chàng thủy thủ trẻ, viên thuyền trưởng nhân hậu vẫn cho tàu quay lại vớt chàng lính trẻ. Vì dám chống lệnh của thuyền trưởng nên chàng thủy thủ bị phạt xuống phòng máy làm việc như một lao công để nêu gương cho mọi người.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Khi cuộc chiến chấm dứt, con tàu quay trở về đất liền. Mọi người trên tàu vui mừng vì đã trở về bình yên. Các thủy thủ được nghỉ phép về thăm gia đình, những người chiến đấu dũng cảm được tặng thưởng huy chương. Riêng chàng thủy thủ trẻ tuổi nọ bị truy tố ra tòa án binh. Anh ta bị khởi tố về việc chống lệnh cấp trên, tự ý làm việc riêng trong khi chiến trận đang xảy ra ác liệt. Người ta đề nghị mức án tù khổ sai chung thân với tội danh đào ngũ. Mức án rất hợp lý, phải nghiêm khắc như vậy thì mới giữ được kỷ luật của quân đội. Chàng trai trẻ chỉ cúi đầu thở dài buồn bã, dường như anh ta muốn nói một điều gì nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Trước khi quan tòa ra phán quyết, luật sư bào chữa xin phép được hỏi bị cáo một câu như sau:
– Anh có thể giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn về hành động điên rồ của mình không? Thưa quý tòa, tôi cho rằng phải có một nguyên nhân nào đó mới tác động mạnh đến thân chủ của tôi như vậy.
Chàng trai trẻ lặng lẽ cho tay vào túi áo và rút ra một cái mề đay nhỏ. Anh ta giơ lên cao cho mọi người nhìn thấy rồi từ tốn nói:
– Đây là tấm hình của mẹ tôi, nó là kỷ vật quý nhất của đời tôi. Mẹ tôi mất khi tôi đang tham gia chiến trận ở xa. Một người quen đã chuyển kỷ vật này đến cho tôi với lời trăn trối cuối cùng của mẹ là tôi phải trở thành một người tốt.
Đây là vật bất ly thân của tôi, vì nó là hình ảnh của người mẹ kính yêu. Tấm hình này ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của mẹ con tôi. Khi nhìn vào hình của mẹ tôi trong chiếc mề đay, tôi thấy lòng mình ấm áp và yêu đời lạ lùng. Vì vậy, không có điều gì trên đời này có thể làm tôi xa cách tấm hình này. Thưa quý tòa, chuyện chỉ thế thôi. Tôi rất tiếc vì mình không thể làm khác được.
Luật sư bào chữa đứng dậy, đi tới đi lui như đang suy nghĩ rất căng thẳng, dừng bước, ông ta lên tiếng:
– Thưa quý tòa. Đây quả là một người con có hiếu với mẹ mình. Hình ảnh của người mẹ đã từng là nguồn động viên cho anh ta trong cuộc sống. Không nghi ngờ gì nữa, đây thực sự là một người lính can đảm, một người anh hùng. Theo tôi nghĩ, khi ai đã dám liều mình để bảo vệ kỷ vật mang hình ảnh của mẹ mình thì người đó cũng có thừa can đảm chiến đấu bảo vệ quê hương, nơi có nấm mồ của cha mẹ mình, của tổ tiên mình. Anh ta bị kích động nhất thời, vì không muốn mất kỷ vật của mẹ mà đã chống lại lệnh cấp trên. Hành động của thân chủ tôi không có sự sắp xếp trước, không xuất phát từ động cơ xấu xa nào, chỉ vì lòng yêu thương người mẹ quá cố đã thôi thúc anh ta lao xuống biển để giữ lại kỷ vật. Tình mẫu tử muôn đời bất diệt! Nhân danh điều cao quý ấy, tôi xin quý tòa hãy tỏ lòng khoan dung với thân chủ của tôi.
Phòng xử án bất chợt ồn ào với nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. Viên thuyền trưởng nhìn chàng thủy thủ trẻ với ánh mắt thông cảm và tha thứ. Tòa tuyên bố tạm ngừng trong chốc lát. Mươi phút sau phiên tòa được tiếp tục, viên chánh án mời mọi người đứng dậy nghe phán quyết của tòa. Phòng xử án chợt im ắng lạ thường, người ta có thể nghe rõ tiếng giấy bị gió thổi lật sang trang.
– Chúng tôi đã tìm hiểu rõ tình tiết của vụ án và nhận thấy lời biện hộ của luật sư là xác đáng. Vì vậy, tòa tuyên bố anh lính trẻ này trắng án. Anh ta đã làm lao công trên tàu để chuộc lỗi mình rồi. Chúng tôi tin rằng lòng hiếu thảo luôn giúp người lính chiến đấu anh dũng hơn để bảo vệ tổ quốc, nơi có cha mẹ, ông bà và bao người thân khác.
Mọi người trong phòng xử án vỗ tay hoan hô, họ hoan hô công lý và hoan hô tình mẫu tử bất diệt. Người lính trẻ lặng đi khi nghe phán quyết của tòa, mắt anh nhòa lệ và miệng anh mấp máy gọi thành tiếng “Mẹ ơi!”. Anh không ngờ luật pháp vẫn vị tình mẫu tử. Anh cảm thấy mình thật nhẹ nhàng và sung sướng, có thể bay lên đến chín tầng mây. Anh thấy cuộc sống tươi đẹp hơn bao giờ hết. Anh thấy tổ quốc của mình thật đáng yêu, vì mẹ anh đang an nghỉ nơi đây và chung quanh anh là những con người dũng cảm với tấm lòng nhân ái.
Viên thuyền trưởng đến bắt tay người thủy thủ trẻ, ông nói:
– Việc làm của anh thật đáng trách phạt, thế nhưng tình mẫu tử mãnh liệt trong anh làm mọi người phải kính trọng. Hãy làm theo lời trăn trối của mẹ anh để trở thành con người tốt.